Rách gân chóp xoay là tổn thương khiến tầm hoạt động của cánh tay giảm mạnh, không thể giơ tay, hạ tay, gặp khó khăn khi vươn tay ra sau lưng.
Gân chóp xoay là một tổ hợp 4 gân, gồm gân dưới vai, gân trên gai, gân dưới gai và gân cơ tròn bé ở phía sau. 4 gân này bám vào chỏm xương cánh tay, phối hợp cùng các cơ và gân xung quanh giúp cho khớp vai cử động được. Gân chóp xoay nằm giữa chỏm xương cánh tay và xương mỏm cùng vai, được bao phủ bởi bao hoạt dịch, giúp cho hai mảng xương này không va chạm trực tiếp vào nhau khi chuyển động.
Tiến sĩ – bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, vì khớp vai là một trong những khớp hoạt động nhiều nhất trên cơ thể nên theo tuổi tác nhóm gân ở vị trí này sẽ bị thoái hóa. Lúc này, lượng máu nuôi gân suy giảm, đặc biệt là gân trên và dưới gai. Bao hoạt dịch cũng bị xơ hóa nên chỏm xương cánh tay và xương mỏm cùng vai không ngừng ma sát vào nhau khi chuyển động khớp vai, làm rách gân chóp xoay. Tình trạng rách gân chóp xoay cũng có thể xảy ra do chấn thương.
Hai triệu chứng điển hình của rách gân chóp xoay là đau và yếu tay.
Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết, hai triệu chứng điển hình của rách gân chóp xoay là đau và yếu tay. Cụ thể, cơn đau bắt đầu từ vai, lan ra cổ và mặt ngoài của cánh tay. Cơn đau âm ỉ, kéo dài từ 3 – 4 tuần đến vài tháng. Tuy nhiên khi kiểm tra hình ảnh trên X – quang lại không cho thấy bất thường. Triệu chứng thứ hai là cử động tay yếu đi, khó nâng nhấc vật nặng. Trong trường hợp gân chóp xoay rách nặng, phạm vi hoạt động của tay giảm mạnh. Lúc này, người bệnh không thể điều khiển chuyển động giơ tay, hạ tay, gặp khó khăn khi vươn tay ra sau lưng. Tình trạng này rất dễ nhầm lẫn với thoát vị đĩa đệm cổ.
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh tư vấn cho người bệnh.
Tùy vào nhu cầu hoạt động và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nam Anh khuyến cáo, các phương pháp điều trị bảo tồn như uống thuốc kháng viêm, giảm đau, vật lý trị liệu, chiếu tia… chỉ có khả năng giảm đau mà không thể cải thiện tình trạng yếu tay. Theo thời gian, vết rách sẽ ngày càng lớn, thậm chí là gây hư khớp vai. Do đó, nếu người bệnh từ tuổi trung niên trở xuống, vẫn còn chơi thể thao và hoạt động nhiều thì nên sớm phẫu thuật nối gân khớp vai hoặc thay khớp vai. Việc điều trị và phục hồi ngày càng kém nếu thực hiện phẫu thuật trễ, bệnh nhân lớn tuổi… Trong trường hợp người bệnh cao tuổi hoặc mắc nhiều bệnh lý nền, nhu cầu vận động ít, các triệu chứng đau nhức không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày có thể điều trị bảo tồn bằng thuốc.
Theo Tiến sĩ Nam Anh, khớp vai là một vị trí phẫu thuật phức tạp, để thực hiện phẫu thuật nội soi khớp vai, bác sĩ cần có từ 2 – 4 năm hành nghề. Hiện nay, bệnh viện Tâm Anh là một trong số ít đơn vị có khả năng thực hiện nội soi nối gân khớp vai. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ y tế không tiêu để nối đầu gân rách vào xương.
Phẫu thuật nối gân chóp xoay cho hiệu quả nhanh chóng.
Sau khoảng 3 tháng phẫu thuật kết hợp với vật lý trị liệu, người bệnh có thể sinh hoạt lại như bình thường. Sau 6 tháng, có thể chơi thể thao lại và sau một năm, gân rách sẽ nối lại hoàn toàn. Theo một nghiên cứu về rách chóp xoay do Tiến sĩ Nam Anh thực hiện 93% người bệnh rách gân chóp xoay cho kết quả phục hồi tốt sau phẫu thuật, gân rách lành lại, không còn đau, sức cơ phục hồi 80%. Một số trường hợp phục hồi hoàn toàn như trước khi xảy ra tổn thương.
Tiến sĩ Nam Anh khuyến cáo, gân chóp xoay không thể tự phục hồi. Do đó, người bệnh nên để bác sĩ thăm khám nếu có dấu hiệu rách gân, kịp thời kiểm soát chấn thương, tránh làm cho tình trạng rách ngày càng nghiêm trọng.
Nguồn: https://vnexpress.net